Review Inno3D GT 1030 2GB GDD5 - Sức mạnh của GTX 750Ti
Trong một quãng thời gian rất dài, Nvidia GT 730 được coi là chiếc card màn hình chơi game giá rẻ nhất của Nvidia dành cho các game thủ có kinh phí không dư dả lắm với mức giá khoảng 1,6-1,7 triệu đồng. Nhưng vào thời điểm hiện tại, R7 360 đã giảm xuống mức giá khoảng 2 triệu đồng và với sức mạnh vượt trội, đã chiếm lĩnh vị trí mà GT 730 độc tôn từ rất lâu. Nvidia chắc chắn sẽ không đứng yên, và sau hơn 1 năm khi các sản phẩm trung - cao cấp của Series 10 đã định hình vị trí, Nvidia đã chính thức thách thức AMD R7 360 với Geforce GT 730
Inno3D GT 1030 là phiên bản card “lùn” ( low profile ) nhưng được đóng gói sẵn với Bracket tiêu chuẩn, làm mát bằng quạt và không cần nguồn phụ. GT 1030 có TDP chỉ 30W, vì vậy chúng ta có thể đoán lờ mờ về điểm mạnh của chiếc VGA này so với đối thủ đó chính là nhiệt độ và điện năng tiêu thụ. Nhưng với lượng điện tiêu thủ chỉ thấp vậy, liệu GT 1030 có thể làm được những gì?
GP108
Inno3D Geforce GT 1030 sử dụng GPU mang tên mã GP108, chứa 1,8 tỉ transistors. Kích thước GPU cực bé chỉ 70mm2 nhừ vào công nghệ 14nm FINFET áp dụng trên GP107. So sánh với GT730 sử dụng GK208 chứa chỉ 1,02 tỉ transistors nhưng diện tích GPU lên tới 84mm2, hay GTX 750Ti có diện tích GPU là 148mm2 do sử dụng quy trình 28nm
Nếu như GTX 750Ti có 5 bộ vi xử lý đa luồng ( Streaming Multiprocessors - SM ), GT 1030 chỉ có 3. Với 128 nhân CUDA mỗi SM ở kiến trúc Pascal / Maxwell, tổng lại GT 1030 có 384 nhân CUDA còn GTX 750Ti có 640 nhân. Cả 2 GPU đều có 8 đơn vị xử lý bề mặt ( Texture unit ) mỗi SM, tổng lại GT1030 có 24 còn GTX 750Ti có 40. Cả 2 GPU đều có 1 cặp phân vùng ROP, đem đến tới 16 điểm ảnh 32-bit/clock, kết hợp với 256KB bộ nhớ đệm L2 ở GP108 và 1MB ở GM107. Tóm lại, GT 1030 có 512KB L2, chỉ bằng 1/4 so với con số 2MB của GTX 750Ti. Ngoài ra GTX 750Ti có 2 bộ điều khiển bộ nhớ 64-bit, GT 1030 cắt giảm chỉ còn 2 bộ điều khiển bộ nhớ 32 bit.
Nvidia khắc phục vấn đề này bằng việc đẩy xung của GT 1030 lên, xung mặc định của GT 1030 là 1227 Mhz và Boost lên tới 1468Mhz so với 1020Mhz/1085Mhz của GTX 750Ti. Và tất nhiên, băng thông 64 bit của GT 1030 bị giới hạn ở 48GB/s với 6Gb/s GDDR5, còn GTX 750Ti lên tới 86,4GB/s nếu dùng bộ nhớ tương tự
Truyền nhân của GT 730
Các bạn nên lưu ý một chút, GTX 750Ti có mức giá lên 3-3,5 triệu đồng ở thời điểm mới ra mắt và hiện tại đang ở mức khoảng 2,5 triệu đồng. Chúng tôi chỉ lấy ví dụ chiếc VGA này so sánh với GT 1030 bởi lượng transistor tương đương. Thực tế, GT 1030 là truyền nhân của GT 730 bởi Nvidia không sản xuất bất cứ VGA nào của Series 9 rẻ hơn GTX 950 cả. Xét theo thông số kĩ thuật, Geforce GT 730 với 384 nhân CUDA và 16 đơn vị xử lý bề mặt, 512KB L2 hợp lý hơn nhiều khi so sánh với GT 1030. Một điểm nữa là GTX 750Ti có TDP tới 60W - gấp đôi GT 1030, trong khi GT 730 là 38W
Vậy tại sao GP108 lại phức tạp hơn GK208? Cả 2 GPU đều có kiến trúc khác nhau, hãy cùng đi qua từng chút một.
GP108 có 3 Streaming Multiprocessors. Mỗi SM chứa 128 nhân CUDA, 8 Texture unit, 24KB bộ nhớ đệm L1. Trong khi đó GK208 có 2 SMX lớn hơn, mỗi SMX chứa 192 nhân CUDA, 8 Texture unit và 64KB L1 sử dụng chung. GP108 ngoài ra có 16 ROP so với 8 của GK208
Những thay đổi này đem đến tốc độ xử lý hình ảnh của GP108 nhanh hơn GK208 khá nhiều ( 19,8 GP/s so với 7,2 GP/s ). Tốc độ phủ bề mặt cũng lớn hơn nhiều ( 29,8 GT/s so với 14,4 GT/s ). Theo như Nvidia chia sẻ, việc này có dược là do mức xung cao của thế hệ Pascal và sự hỗ trợ tính toán không đồng bộ thông qua cân bằng tải được thêm vào. GT 1030 sử dụng GPU GP108 với trọn vẹn toàn bộ các tính năng được giới thiệu
Inno3D GT 1030
Chiều dài của phiên bản GT 1030 đến từ Inno3D chỉ 15,2cm, cao 7cm - kích thước tiêu chuẩn của các VGA “lùn” dành cho các hệ thống nhỏ
Inno3D GT 1030 2GB GDD5 không có backplate - và tất nhiên là không cần trang bị cho một sản phẩm giá rẻ như thế này. Cùng với mức TDP công bố là 30W, đầu nguồn phụ cũng không xuất hiện trên VGA.
Gió được thổi từ quạt xuống tấm nhôm tản nhiệt làm mát GPU và đẩy khí nóng ra xung quanh. Mặt sau VGA gồm 2 cổng: 1 cổng DVI-D ( không hỗ trợ chuẩn Analog ) và HDMI 2.0b.
Cấu hình thử nghiệm
Tất nhiên với 1 VGA giá rẻ, chúng ta cần một hệ thống tương đương để thử nghiệm, không thể nào nhét chúng vào chung mâm với Core i7 hay Ryzen 1800X được. Cấu hình thử nghiệm như sau:
CPU Intel Core i3-6300
Mainboard Asrock B250M Pro 4
Ram Avexir DDR4 Bus 2400
SSD Corsair Force LE 240GB
Nguồn FSP AX350 ATX
Windows 10 Pro
BattleField 1
Chúng ta cùng bắt đầu với mức thiết lập Medium ở độ phân giải 1280 x 720. GT 1030 với mức xung cao được đẩy lên để bù đắp hiệu năng, đã cho kết quả rất khả quan khi chỉ kém GTX 750Ti khoảng 5% trong khi điện năng tiêu thụ chỉ 1/2
Tiến tới độ phân giải 1920 x 1080 ( thiết lập giảm xuống Low ), GT 1030 tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình khi bám đuổi rất sát GTX 750Ti và còn vượt trội hơn khi khung hình không bị drop xuống mức dưới 46fps ( GTX 750Ti có thời điểm chỉ đạt 37 fps ). Tuy nhiên RX 550 cho lượng FPS cao hơn GT 1030 tới 24%, chúng tôi hy vọng kết quả sẽ khả quan hơn cho GT 1030, nhưng AMD đã làm rất tốt với kiến trúc GCN của mình - tuy nhiên để có sức mạnh vượt trội như vậy các bạn phải bỏ ra tới gần 3 triệu đồng - so với chỉ dưới 2 triệu của GT 1030.
Dota 2
Nvidia đã lật ngược thế cờ hoàn toàn khi dến với Dota 2, GT 1030 cho kết quả vượt hơn khoảng 17% so với RX550 và RX 460. Điều này cũng dễ hiểu bởi Nvidia luôn hỗ trợ các tựa game của Valve rất tốt từ trước tới nay
Thử nghiệm đẩy cấu hình lên cao nhất để xem sức chịu đựng của các thí sinh. GT 1030 vẫn cho kết quả rất tốt khi vượt trội hơn tới 15% so với đại diện AMD RX550 ( mặc dù RX 550 đắt hơn gần 1 triệu đồng )
Starcraft II
Với thiết lập ở mức High, GTX 1050 và 950 vẫn giữ vị trí đầu, tiếp theo là RX 460. GT 1030 nằm rất sát sau RX 550. Các VGA tham gia thử nghiệm đều mạnh hơn HD 530 lên tới 200%.
Tổng kết
Với đối thủ chính đó là AMD Radeon RX 550, Nvidia đã làm khá tốt nhiệm vụ với GP108. Trong các tựa game DirectX 9 và 11, GT 1030 đều mạnh hơn RX 550, trong khi đó ở các tựa game sử dụng DirectX 12 hay Vulkan lợi thế lại nghiêng về AMD. Dota 2 là trường hợp đặc biệt khi hiệu năng của GT1030 được thể hiện rất tốt
Với lượng người tiêu dùng hướng đến của Nvidia là các game thủ chơi các tựa game nhẹ nhàng như Liên Minh Huyền Thoại, Dota hay Rocket League, Nvidia GT 1030 là lựa chọn hoàn hảo, không những bởi mức giá chỉ chưa tới 2 triệu đồng, mà hiệu năng còn vượt RX 550 khá nhiều. Nhưng nếu các bạn có hầu bao rung rỉnh hơn, muốn trải nghiệm các tựa game DirectX 12 hay Vulkan thì RX 550 là lựa chọn đáng cân nhắc.
Ưu điểm:
- Giá thành hợp lý chỉ từ dưới 2 triệu đồng
- Điện năng tiêu thụ cực ít ( 30W )
- Hiệu năng tốt ở các tựa game DirectX 9/11
- Thiết kế nhỏ gọn
- Sức mạnh gần tương đương GTX 750Ti
Tồn tại:
- Hiệu năng so với RX 550 còn thua kém ở game Direct X 12
No comments: